Gốc tích chùa Cương Xá

Chùa Cương Xá còn có tên gọi là Quỳnh Khâu Tự ( Chùa Gò Ngọc), chùa nằm trên một gò đất cao phía tây nam của làng. Phía tây của chùa giáp với làng Khuê Liễu, tây nam giáp với thôn Thanh Liễu và Liễu Tràng, phía nam giáp với làng Đông Quan và làng Bảo Thái, phía bắc giáp với phường Hải Tân - thành phố Hải Dương. Chùa có tổng diện tích hơn 7000m2. Trong dân gian còn có câu ca là: thứ nhất đống da, thứ nhì đống gạo, thứ ba đống chùa; theo văn bia ghi lại chùa được trùng tu lần thứ nhất vào đời vua Lê Vĩnh Tộ năm thứ 9 ngày 1 tháng 3, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa đã bị tiêu thổ. Đến năm Việt Nam dân chủ cộng hoà thứ 2 ( 1946), chùa được nhân dân trùng tu lần thứ hai; từ đó đến nay không có sư về trụ trì. Ngày 18/3/1996 thể theo nguyện vọng của tín đồ phật tử và nhân dân, được sự đồng thuận của các cấp chính quyền, tỉnh hội phật giáo Hải Dương đã quyết định cử Đại đức Thích Thanh Cường về trụ trì khi Đại đức tròn 25 tuổi.

Đến năm 2009, Đại đức đã làm đơn xin phép UBND tỉnh và Sở xây dựng cho trùng tu tôn tạo mới ngôi chùa Cương xá trên nền đất cũ nhưng mở rộng hơn với chiều dài và chiều rộng đều 18 mét với diện tích là 360m2. Khi động thổ thì phát hiện các dấu tích những viên gạch từ đời Đông hán cách nay hơn 2000 năm do nhà sư học Tăng Bá Hoành công bố. Vì so với đình làng Cương xá thì rất phù hợp trên bức đại tự của đình có đề 4 chữ Lý Triều Huân Tướng nên khẳng định ngôi chùa Cương Xá có niên đại hơn 2000 năm. Hiện chùa còn lưu giữ được: 1 văn bia cổ, 1 quả chuông có niên đại từ vua Lê Vĩnh Tộ, 2 đôi câu đối, 1 pho A Di Đà, 3 pho Đức Vua Cha, Nam tào và Bắc đẩu, Đức Thánh Ông và Đức Thánh Hiền, 2 pho Át Nan và Ca Diếp và 1 cây đại cổ.

Đến nay, chùa Cương Xá thi công công trình đã xây xong toà Tam bảo với tổng kinh phí hơn 21 tỷ đồng. Toàn bộ móng và tường chùa xây bằng đá xanh lấy từ núi nhôi Thanh hoá: mỗi viên đá dài 40 cm ngang 30 cm và dày 35 cm, nặng 80 kg mỗi viên còn khắc chữ Vạn. Chùa có 18 chiếc cột lim với chu vi là 108 cm cao 8,2 mét nặng 1,7 tấn. Hệ thống tượng tòa Tam bảo trên cùng là thờ Tam Thánh: Đức A Di Đà, đức Quan Âm Bồ Tát, đức Đại Thế Chí bồ tát. Tầng thứ 2 từ trên xuống là thờ đức Quan Âm Thiên Thủ Thiên nhãn. Tầng thứ 3 thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đá trắng tạc từ núi Ngũ hành sơn - Đà nẵng nặng 6,6 tấn. Tầng thứ 4 là toà Cửu Long tạc bằng đồng nặng 700 kg. Tầng thứ 5 là thờ 7 pho tượng Dược Sư và đến bát hương được đúc bằng đồng nặng 156 kg với đường kính là 79 cm cao 90 cm. Hai bên có hai cỗ khám ở trong thờ tượng đức Thánh Ông và đứcThánh Hiền. Hai bát hương đá và 3 đôi đèn đá 4 đôi mâm bồng đá. Trên hệ thống tượng tam bảo được dát 80 cây vàng 9999, trên mỗi cây cột có những đôi câu đối ghi ca ngợi đức độ của Chư Phật và Bồ Tát gồm 7 đôi câu đối,6 bức cửa võng và 1 bức triều châu. Sáu cột hiên được tạc bằng đá và khắc câu chú Án Ma Ni Bát Minh Hồng bằng chữ phạn. Cánh của làm bằng gỗ lim trên mỗi bộ cửa được đục bát tiên và tứ quý. Hệ thống rui và hoành đều được soi rất tỉ mỉ công phu và trên lợp ngói mũi của Giếng đáy. Trước hiên chùa có lát những viên đá có khắc 4 chữ mỗi viên là kim ngọc mãn đường và trước hiên còn 1 cây đại nằm bò dài hình thế rồng nằm trông rất cổ kính trên 8 bức tường bao được hoa văn Bát Bảo của phái mật tông, dưới sân là pho tượng Quan Âm Bồ Tát cao 3,2 mét cũng tạc bằng đá trắng ở núi Ngũ hành sơn - Đà nẵng trên tà áo của đức Quan Âm có tạc hình hoa sen trông rất mềm mại và đôi đèn đá trên 1 bệ thờ đá.

Phần sân vườn với diện tích 1.600 m2 được đổ bê tông dày 25 cm. Bên phải của chùa là 1 nhà tổ 14 gian với diện tích 420 m2 gồm 2 nếp nhà xây theo hình chữ nhị 3 gian thờ tổ và mỗi bên có 2 phòng dành cho chư tăng nghỉ ngơi tu học. Bên trái của chùa là nhà thờ mẫu với 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung thờ Tứ phủ của đạo mẫu và thờ đức Thánh Trần Hưng Đạo.

Trên đây là khái quát về lịch sử chùa Cương Xá.